Cái chết “chậm” đến từ những bữa ăn thịnh soạn
Nhịp sống hiện đại cuộc sống con người trở lên nhanh và vội vã hơn. Con người không có quá nhiều thời gian để lựa chọn đồ ăn, tự nấu ăn và tìm hiểu về những thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Thay vào đó là những thực phẩm ăn nhanh, đồ nướng, chiên, rán… được chúng ta sử dụng nhiều hơn.
Hiện nay, chúng ta đang có khuynh hướng ăn theo ý thích, chiều chuộng vị giác của mình. Ít ai biết được cách ăn đó có thể gây ra những hệ lụy bệnh tật nguy hiểm.
Gan tổn thương do chúng ta đang ăn quá nhiều
Cách ăn uống của người Việt đang làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, gây ra cái chết âm thầm cho con người.
Những bữa ăn sang trọng đó có thể mang lại cho chúng ta cơ hội mới trong công việc, sự vui vẻ chốc lát với bạn bè nhưng cái giá phải trả với lá gan là quá đắt.
Trong công việc con người dùng những bữa ăn là công cụ để đàm phán hợp đồng với đối tác. Đôi khi bữa ăn, bàn tiệc lại là nơi mở ra cơ hội làm ăn, thăng tiến mới… Với bạn bè là cuộc gặp gỡ cũng là cái cớ để hẹn hò nhau đi ăn uống.
Cái chết liên quan tới gan được cho là cái chết “chậm” là vì khác với thận và phổi nếu hỏng một bên sẽ có bên còn lại sẽ gánh, lá gan thì chỉ có một. Khi lá gan bị hỏng chuyển hóa trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động và tử vong.
Tuy nhiên, điều kỳ diệu của lá gan là số lượng tế bào gan rất lớn tới hàng trăm tỷ tế bào. Nếu một tế bào này chết đi sẽ có tế bào khác thay thế. Khi các tế bào thay thế đã hết dần hết, lúc đó gan sẽ thể hiện rõ bệnh.
Chúng ta đang tập trung quá nhiều cho ăn uống, ảnh minh hoạ.
Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch Hội gan mật Việt Nam, cả xã hội đang tập trung quá nhiều cho việc ăn uống. Những bữa ăn thịnh soạn, những bàn tiệc sang trọng đều là những món ăn có chứa nhiều chất đạm và giàu năng lượng. Khi con người ăn quá nhiều chất đạm không biết kiềm chế sẽ dễ dẫn tới tổn thương lá gan.
“Gan được ví như một nhà máy xử lý hóa chất của cơ thể. Nhưng gan chỉ chuyển hóa được một phần đồ ăn con người đưa vào cơ thể. Nếu như số lượng thức ăn quá nhiều khiến cho gan không chuyển hóa kịp sẽ biến thành các “chất độc” gây tổn thương gan”, PGS Ngọc nói.
“Kẻ thù” số 1 của gan
Thủ phạm gây hại nhất cho gan đối với người Việt hiện nay được PGS Ngọc đề cập tới chính là rượu – bia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực.
Uống rượu bia với số lượng lớn khiến cho gan không thể chuyển hóa được sẽ tạo ra những chất độc gây ra hoại tử tế bào gan. Hoại tử tế bào gan kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan và ung thư tế bào gan.
Nhiều người hiện nay cho rằng, uống bia cho vui và làm mát cơ thể không độc như rượu. Nhưng trên thực tế rượu – bia là độc như nhau đều gây tổn thương cho gan. Khi rượu bia qua đường miệng vào đường tiêu hóa 95% sẽ được chuyển hóa tại gan.
“Trào lưu ngâm rượu thuốc: hoa quả lạ, con vật, rễ cây… cũng rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp uống rượu thuốc đã bị ngộ độc hỏng gan, thận và tử vong”, PGS Ngọc khuyến cáo.
Hơn một nửa dân số Việt Nam chưa biết bảo vệ lá gan ngay từ sớm.
Kẻ thù số 2: Đồ chiên rán và nội tạng động vật
Những món ăn khoái khẩu như: nội tạng động vật vẫn luôn được quý ông yêu thích trên bàn nhậu, lại là những món ăn âm thầm làm hỏng gan.
PGS Ngọc cho hay, sau rượu – bia “thủ phạm” thứ hai làm tăng các bệnh lý về gan là do ăn uống nhiều đồ ăn dầu mỡ, thịt, lục phủ ngũ tạng (động vật). Những đồ ăn này gây ra căn bệnh gan nhiễm mỡ.
Bình thường trong gan luôn có lượng mỡ nhất định, dưới 10%. Nếu như số lượng mỡ trong gan ở mức trên 10% đã rơi vào tình trạng gan nhiễm mỡ. Thời gian gần đây căn bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, có liên quan tới ăn uống tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng.
Hiện nay, điều trị gan nhiễm mỡ rất phức tạp không kém gì viêm gan virus. Điều trị gan nhiễm mỡ ngoài thuốc việc thay đổi chế độ ăn có vai trò rất quan trọng, ưu tiên chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tập thể dục và hạn chế đồ ăn rán, nhiều dầu mỡ.
PGS Ngọc khuyến cáo: “Khi gan tích tụ mỡ tới 25-30% sẽ dẫn tới tình trạng xơ gan và ung thư tế bào gan”.
Ngoài ra, các thức phẩm không an toàn (tồn dư thuốc trừ sâu, tồn dư thuốc kháng sinh) đều có thể gây ra tổn thương tế bào gan.
Kẻ thủ số 3: Đồ ngọt và thức ăn chế biến có màu sắc
Theo PGS Ngọc, hiện nay chúng ta đang tiêu thụ đồ ngọt quá nhiều. Việc ăn nhiều đồ ngọt sẽ làm gia tăng lượng đường trong máu dẫn tới bệnh đái tháo đường và gan thoái hóa mỡ rất cao.
Một số loại thức ăn có màu sắc bắt mắt theo chuyên gia thường có chứa các loại phẩm màu sẽ gây ra tổn thương gan.
PGS Ngọc cho hay: “Ngày nay khi mà con người có quá ít thời gian đi chợ chọn đồ tươi sống hàng ngày. Phương án tối ưu được nhiều ra đình lựa chọn chính là trữ đông đồ ăn. Một số thức ăn bảo quản quá lâu trong tủ lạnh cũng sinh ra các độc tố gây hại cho tế bào gan”.
Kẻ thù số 4: Cảnh giác với các loại hạt và đồ ăn sống
Khí hậu tại Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để các loại nấm mốc phát triển. Nấm mốc thường tồn tại trong các loại hạt ngũ cốc.
Việc ăn phải các loại thức ăn có nấm mốc chứa độc tố aflatoxin sẽ tích tụ và âm thầm tổn thương tế bào gan không hồi phục.
PGS Ngọc cho biết thêm, lưu ý nguy cơ nhiễm sán ký sinh trùng từ đồ ăn sống có thể gây tổn thường cho gan. Để tránh nguyên nhân tổn thương gan này nên thực hiện ăn chín – uống chín.
PGS Ngọc cho biết, hiện nay hơn một nửa dân số Việt Nam chưa biết bảo vệ lá gan ngay từ sớm. Chỉ khi có bệnh mọi người mới quan tâm chạy chữa.
Bảo vệ gan bằng cách tốt nhất là ngừng uống rượu bia; Thay đổi cách ăn uống tập trung quá nhiều vào thịt, xây dựng chế độ ăn khoa học (ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thức ăn nhiều đạm, mỡ, dầu, đồ ngọt…); Thường xuyên tập thể dục để có một lá gan tốt.
Nguồn soha.vn