Nghệ thuật nói lời xin lỗi
Bạn vừa “trót dại” gây lỗi lầm, làm tổn thương đến bạn thân. Bạn muốn nói lời xin lỗi, nhưng khó quá vì vừa xấu hổ, vừa hơi tự kiêu mà cũng không biết nói thế nào. Đừng bối rối, hãy làm theo những bước sau đây và hai bạn sẽ lại “huề cả làng”.
Chịu trách nhiệm: Bước đầu tiên để xin lỗi là phải tự thừa nhận với bản thân rằng bạn đã có hành vi không tốt với ai đó. Bạn có thể nhận ra điều đó ngay hoặc phản ứng của người khác cho bạn biết đã làm một chuyện gây tổn thương.
Giải thích: Điều quan trọng là phải cho người bị tổn thương biết bạn không cố ý làm như thế. Đồng thời bạn phải thể hiện sự hối lỗi vì đã làm phiền người khác.
Bày tỏ sự ân hận: Sẽ chẳng tác dụng nếu bạn nhận lỗi với người khác mà khuôn mặt tỉnh bơ, chẳng cảm xúc gì. Hãy thể hiện sự ăn năn, hối hận của bạn khi làm tổn thương người khác. “Mình cảm thấy rất hối hận khi nói ra bí mật của bạn. Mình rất xấu hổ với bản thân”, đó là một cách nói.
Sửa chữa lỗi lầm: Sau bao nỗ lực ngọt nhạt, bạn vẫn chưa thể hoàn thành được công việc xin lỗi nếu chưa sửa chữa được sai lầm do mình gây ra. Nếu bạn làm hư hỏng tài sản của ai đó, hãy đề nghị được sửa chữa hoặc thay mới nó.
Trong trường hợp thiệt hại vật chất không rõ ràng, hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì. Ngoài ra, bạn cũng có thể “bồi thường” bằng cách gửi tặng “nạn nhân” của bạn một món quà nhỏ xinh xắn.
Chọn đúng thời điểm: Với những lỗi nhỏ như va phải ai đó, bạn hãy xin lỗi ngay, chớ để đến hôm sau. Sự khó chịu tích lũy theo ngày từ phía người bị bạn gây lỗi sẽ dẫn tới những căng thẳng không cần thiết trong mối quan hệ của hai bạn.
Nếu lỗi lầm nghiêm trọng hơn, như xúc phạm một người bạn, thì cần phải suy nghĩ nhiều hơn về lời xin lỗi. Trong trường hợp này, một sự xin lỗi quá nhanh chóng sẽ trở thành giả tạo, không chân thành. Đó không phải là chuyện ai “thắng” hay ai “thua” mà là làm sao để giữ được một mối quan hệ.
Gợi ý:
– Nhận lỗi càng sớm càng tốt. Nếu để vài tuần vài tháng sau, lời xin lỗi sẽ chẳng còn đơn giản là: “Mình xin lỗi” nữa.
– Nói về lỗi lầm của bạn với ngôn ngữ rõ ràng, tránh úp mở, mơ hồ. Hãy ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Nếu có “tình tiết giảm nhẹ” cho việc làm của bạn, nhớ đề cập đến ngay.
– Giọng điệu là điều rất quan trọng. Lời xin lỗi phải được nói ra một cách chân thành nhất có thể. Và tránh lời xin lỗi chung chung như: “Mình rất tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn”. Hãy nói “Mình rất hối hận vì việc làm của mình”. Tuy vậy, nói: “Đó hoàn toàn là lỗi của mình” lại rất nguy hiểm. Hãy tránh xa.
– Sau khi xin lỗi, hãy giữ yên lặng và lắng nghe người đó nói về cảm giác của họ như thế nào. Lời xin lỗi nhờ đó sẽ thực sự hiệu quả.
– Hãy nhận bồi thường thiệt hại khi cần, nhưng đừng hứa hẹn quá khả năng của bạn. Làm thế chỉ khiến bạn chẳng chóng thì chày sẽ trở thành mục tiêu của sự giận dữ sau này thôi.
(Theo Dân Trí)
Tuyệt vời!